Thứ 2
Tháng 1
2020
13

TƯ DUY THIẾT KẾ LÀ GÌ? CHỈ DẪN TOÀN DIỆN CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU

1

Tư duy thiết kế vừa là một quá trình, vừa là một hệ tư tưởng, quan tâm tới việc giải quyết những vấn đề phức tạp theo cách lấy người dùng làm trung tâm. Trong bài chỉ dẫn này, chúng tôi sẽ mang tới bạn một định nghĩa chi tiết về tư duy thiết kế, minh họa chính xác quá trình gồm những bước nào, và nhấn mạnh vì sao nó lại quan trọng: đâu là giá trị của tư duy thiết kế, và trong những hoàn cảnh nào thì nó đặc biệt hữu ích? Chúng tôi cũng sẽ phân tích mối quan hệ giữa thiết kế trải nghiệm người dùng và tư duy thiết kế và thảo luận hai case study thực tiễn cho thấy tác dụng của tư duy thiết kế. Tất cả nội dung nghe hơi choáng ngợp với bạn? Đừng lo – chúng tôi đã chia bài viết ra những phần với nội dung riêng biệt dễ tiếp thu. Hãy xem video bên dưới như là một đoạn giới thiệu nhẹ nhàng về tư duy thiết kế, do Jeff Humble – Trưởng bộ phận thiết kế của chúng tôi trình bày.

Nếu bạn muốn chuyển tới một phần nội dung nhất định, chỉ cần kích vào từng phần tương ứng dưới đây:

  1. Tư duy thiết kế là gì?
  2. Qúa trình tư duy thiết kế là gì?
  3. Mục đích của tư duy thiết kế là gì?
  4. Tư duy thiết kế, UX tinh gọn và phương pháp phát triển nhanh chóng kết hợp với nhau như thế nào?
  5. Những lợi ích của tư duy thiết kế mang lại cho công việc là gì?
  6. Thực hành tư duy thiết kế: Các case study thực tế
  7. Mối quan hệ giữa tư duy thiết kế và thiết kế trải nghiệm người dùng là gì?

Bạn đã sẵn sàng chưa? Chúng ta hãy bắt đầu thôi!

  1. Tư duy thiết kế là gì?

Tư duy thiết kế là một cách tiếp cận được sử dụng để giải quyết những vấn đề một cách sáng tạo và thực tế. Nó dựa chủ yếu và những phương pháp và quá trình mà các nhà thiết kế sử dụng (vì thế có tên là tư duy thiết kế), nhưng thực ra nó được bắt nguồn từ một vài lĩnh vực khác – bao gồm kiến trúc, kĩ thuật và kinh doanh. Tư duy thiết kế cũng có thể được áp dụng vào bất cứ lĩnh vực nào, không nhất thiết là những ngành liên quan tới thiết kế.

Tư duy thiết kế là cách tiếp cận lấy người dùng làm trung tâm ở mức độ rất cao. Nó tập trung vào con người đầu tiên và quan trọng nhất, cố gắng thấu hiểu nhu cầu của con người và đưa ra những giải pháp hiệu quả để đáp ứng những nhu cầu đó. Nó là thứ chúng ta gọi là cách tiếp cận dựa trên giải pháp để giải quyết vấn đề.

Điều này thực sự có ý nghĩa gì? Hãy đọc tiếp nhé.

Khác biệt giữa tư duy dựa trên giải pháp và tư duy dựa trên vấn đề là gì?

Như cái tên đã nói lên đôi chút, tư duy dựa trên giải pháp tập trung vào việc tìm kiếm các giải pháp, đưa ra một vài thứ có tính xây dựng để giải quyết một cách hiệu quả một vấn đề nào đó. Nó đối lập với tư duy dựa trên vấn đề, vốn có xu hướng cố định vào những trở ngại và giới hạn của vấn đề.

Một ví dụ phù hợp về hai cách tiếp cận này trên thực tế là nghiên cứu thực nghiệm được thực hiện bởi Bryan Lawsom, một giáo sư chuyên ngành kiến trúc tại Đại học Sheffield. Lawson muốn khảo sát xem một nhóm những nhà thiết kế và một nhóm những nhà khoa học sẽ tiếp cận một vấn đề cụ thể như thế nào. Ông giao nhiệm vụ cho mỗi nhóm là tạo ra những cấu trúc đơn lớp từ một bộ những viên gạch màu sắc. Đường viền của cấu trúc cần phải sử dụng càng nhiều viên gạch đỏ hoặc xanh càng tốt (chúng ta có thể nghĩ về chúng như là giải pháp, câu trả lời mong muốn), nhưng có nhiều quy tắc không cụ thể đối với việc sắp xếp các viên gạch và mối quan hệ giữa một vài cụm viên gạch (vấn đề hoặc hạn chế của hệ thống).

Lawson đã công bố những phát hiện của mình trong cuốn sách của ông mang tên How Designers Think (tạm dịch: Cách các nhà thiết kế tư duy), trong đó ông đã quan sát thấy rằng các nhà khoa học tập trung vào việc xác định vấn đề là gì (tư duy dựa trên vấn đền) trong khi các nhà thiết kế ưu tiên nhu cầu tìm kiếm giải pháp phù hợp:

“Các nhà khoa học sử dụng một kĩ thuật là thử nghiệm một chuỗi thiết kế sử dụng càng nhiều khối và tổ hợp khối càng tốt, càng nhanh càng tốt. Vì thế họ đã cố gắng tối đa hóa những thông tin có sẵn cho họ về những tổ hợp được cho phép. Nếu họ có thể khám phá ra quy luật điều khiển việc những tổ hợp khối nào được cho phép, thì họ có thể tìm kiếm một cách sắp xếc tối ưu màu sắc xung quanh cách bố trí của thiết kế.”

Ngược lại, đối với các nhà thiết kế thì:

“…(các nhà thiết kế) đã lựa chọn những khối để đạt được đường viền có màu sắc thích hợp với yêu cầu ban đầu. Nếu đó chưa phải là tổ hợp chấp nhận được, thì tổ hợp khối màu khả thi nhất tiếp theo sẽ được thay thế và cứ thế cho tới khi giải pháp phù hợp được tìm ra.”

Những phát hiện của Lawson hé lộ bản chất sâu xa nhất về tư duy thiết kế: là một quá trình lặp đi lặp lại ưu tiên việc thực nghiệm không ngừng cho tới khi giải pháp tốt nhất được rút ra.

  1. Qúa trình tư duy thiết kế là gì?

Như đã nhắc tới ở phần trước, quá trình của tư duy thiết kế là một quá trình cấp tiến và hướng tới người dùng ở mức độ cao. Trước khi nhìn vào chi tiết của quá trình, chúng ta hãy xem xét 4 quy tắc chính của tư duy thiết kế như lời đúc kết của Christoph Meinel và Harry Leifer đến từ Viện Thiết kế Hasso-Plattner thuộc đại học Stanford, California.

2

4 quy tắc của tư duy thiết kế:

  • Quy tắc nhân bản: Bất kể hoàn cảnh là gì, mọi hoạt động thiết kế đều có bản chất xã hội, và bất cứ sự đổi mới xã hồi nào cũng mang chúng ta quay trở lại với “cái nhìn lấy con người làm trung tâm”.
  • Quy tắc mơ hồ: Sự mơ hồ là không thể tránh khỏi và nó không thể được xóa bỏ hoặc đơn giản hóa. Việc thực nghiệm ở giới hạn kiến thức và khả năng của chính mình là tối quan trọng đối với việc có thể nhìn mọi việc theo cách khác đi.
  • Quy tắc tái thiết kế: Tất cả thiết kế đều là tái thiết kế. Trong khi công nghệ và các hoàn cảnh xã hội có thể thay đổi và tiến triển, những nhu cầu cơ bản của con người vẫn không thay đổi. Một cách tất yếu chúng ta chỉ tái thiết kế cách thỏa mãn những nhu cầu đó hoặc đạt tới những kết quả mong muốn theo những cách khác.
  • Quy tắc hữu hình: Việc khiến các ý tưởng trở nên hữu hình dưới dạng những nguyên mẫu cho phép các nhà thiết kế giao tiếp, truyền tải nó hiệu quả hơn.

5 giai đoạn của tư duy thiết kế

Dựa trên 4 quy tắc cơ bản nói trên, quá trình tư duy thiết kế có thể được chia nhỏ thành 5 bước hoặc giai đoạn, theo Viện thiết kế của Đại học Stanford nói trên (còn gọi là d.school) đúc kết: Thấu hiểu (Enpathise), Định nghĩa (Define), Lên ý tưởng (Ideate), Làm nguyên mẫu (Prototype) và Kiểm thử (Test). Chúng ta hãy cùng nhau khám phá chi tiết từng giai đoạn nhé.

3

Giai đoạn 1: Thấu hiểu

Sự thấu hiểu là xuất phát điểm quan trọng của tư duy thiết kế. Giai đoạn đầu tiên của quá trình cần được dành cho việc tìm hiểu người dùng và thấu hiểu những nhu cầu, mong muốn và mục tiêu của họ. Điều này đồng nghĩa với việc quan sát và gắn kết với mọi người để thấu hiểu họ ở cấp độ tâm lý và cảm xúc. Trong suốt giai đoạn này, nhà thiết kế cố gắng bỏ qua một bên những giả thuyết của mình và thu thập những thông tin thực tế về người dùng. Hãy học tất cả về những phương pháp tạo dựng sự thấu hiểu ở đây.

Giai đoạn 2: Định nghĩa

Giai đoạn thứ hai trong quá trình của tư duy thiết kế được dành riêng cho việc định nghĩa vấn đề. Bạn sẽ tập trung tất cả những phát hiện của mình từ giai đoạn thấu hiểu và bắt đầu khai thác chúng: những khó khăn và rào cản nào người dùng của bạn phải đối mặt? Bạn quan sát thấy mô hình nào? Đâu là vấn đề lớn của người dùng mà đội ngũ của bạn cần giải quyết? Cho tới khi kết thúc giai đoạn định nghĩa, bạn sẽ có một sự khẳng định vấn đề rõ ràng. Chìa khóa ở đây là phải mô tả vấn đề theo cách lấy người dùng làm trọng tâm; hơn là nói “Chúng ta cần phải…”, hãy mô tả nó từ phương diện của người dùng: “Những người nghỉ hưu ở vùng cảng cần…”.

Một khi bạn định nghĩa rõ ràng vấn đề thành ngôn từ, bạn có thể bắt đầu đưa ra những giải pháp và ý tưởng – điều mang chúng ta tới giai đoạn 3.

Giai đoạn 3: Lên ý tưởng

Với hiểu biết vững chắc về người dùng của mình và một sự định nghĩa vấn đề rõ ràng trong tâm trí, đây chính là lúc bắt đầu làm việc với những giải pháp tiềm năng. Giai đoạn thứ 3 của quá trình tư duy thiết kế là nơi sự sáng tạo xảy ra, và điều quan trọng cần chỉ ra là giai đoạn không phê phán tham gia! Các nhà thiết kế sẽ tổ chức những phiên họp ý tưởng để đưa ra càng nhiều góc độ và ý tưởng càng tốt. Có nhiều loại kĩ thuật lên ý tưởng khác nhau mà các nhà thiết kế có thể sử dụng, từ brainstorming, mindmapping (sử dụng sơ đồ tư duy) cho đến bodystorming (những kịch bản chia vai) và phép khiêu khích – một kĩ thuật kích thích tư duy cực đoan buộc nhà thiết kế thách thức những niềm tin có sẵn và khám phá những tùy chọn cũng như điều thay thế mới. Khi kết thúc giai đoạn lên ý tưởng này, bạn sẽ thu hẹp lại với chỉ vài ý tưởng và tiếp tục đi tiếp với chúng. Bạn có thể tìm hiểu thêm về tất cả những kĩ thuật lên ý tưởng quan trọng nhất ở đây.

Giai đoạn 4: Làm nguyên mẫu

Bước thứ 4 của quá trình tư duy thiết kế phụ thuộc hoàn toàn vào sự thực nghiệm và việc chuyển ý tưởng thành những sản phẩm hữu hình. Về cơ bản thì nguyên mẫu là một phiên bản rút gọn của sản phẩm cuối cùng và nó sẽ bao gồm các giải pháp tiềm năng được xác định ở những giai đoạn trước đó. Giai đoạn rất quan trọng với việc kiểm thử mỗi giải pháp và đánh dấu mọi hạn chế và khiếm khuyết. Trong suốt giai đoạn làm khuôn mẫu, những giải pháp được đưa ra có thể được chấp nhận, cải thiện, tái thiết kế hoặc thậm chí bị từ chối phụ thuộc vào việc chúng trình diễn dưới dạng nguyên mẫu như thế nào. Bạn có thể đọc tất cả về giai đoạn làm nguyên mẫu của quá trình tư duy thiết kế trong bài hướng dẫn chuyên sâu này.

Giai đoạn 5: Kiểm thử

Sau giai đoạn nguyên mẫu là giai đoạn thử nghiệm với người dùng, nhưng điều quan trọng cần chú ý là hiếm khi có điểm dừng cho quá trình tư duy thiết kế. Trên thực tế, kết quả giai đoạn kiểm thử thường dẫn bạn quay ngược lại bước trước đó, cung cấp cho bạn sự thực bản chất bên trong mà bạn cần để tái định nghĩa vấn đề ban đầu hoặc đưa ra những ý tưởng mới bạn chưa từng nghĩ tới trước đó.

Tư duy thiết kế có phải là một quá trình tuyến tính?

Tất nhiên là không! Bạn có thể thấy các bước này được phân định rạch ròi và nhìn thấy một trình tự rất logic. Tuy nhiên, quá trình tư duy thiết kế không hề thẳng tắp như vậy; nó có thể linh động và mềm mại, lặp đi lặp lại vòng quanh và lặp lại chính nó! Với mỗi phát hiện mới mà một giai đoạn nhất định mang lại, bạn sẽ cần phải nghĩ lại và thiết kế lại những gì bạn đã làm trước đó – bạn sẽ không bao giờ đi trên một đường thẳng!

  1. Mục đích của tư duy thiết kế là gì?

Bây giờ chúng ta đã biết nhiều hơn về cách tư duy thiết kế hoạt động, hãy cùng xem vì sao nó lại quan trọng như vậy. Có nhiều lợi ích mà tư duy thiết kế mang lại khi sử dụng nó – những lợi ích này có thể xét tới trong các hoàn cảnh kinh doanh, giáo dục, cá nhân hoặc xã hội.

Đầu tiên và quan trọng nhất, tư duy thiết kế kích thích và nuôi dưỡng sự sáng tạo cũng như đổi mới. Là con người, chúng ta dựa vào những kiến thức và kinh nghiệm chúng ta tích lũy được để đưa ra các quyết định và hành động. Chúng ta tạo ra những mô hình và biến chúng thành những thói quen, trong khi điều này có thể hữu ích một những tình huống nhất định, lại có thể giới hạn cách nhìn của chúng ta về mọi vật khi cần tới khả năng giải quyết vấn đề. Hơn là việc lặp lại cùng những phương pháp thử nghiệm-kiểm thử, tư duy thiết kế khuyến khích chúng ta loại bỏ những thông tin gây nhiễu và cân nhắc những giải pháp thay thế. Toàn bộ quá trình cho phép chúng ta thách thức những giả thuyết và khám phá những ý tưởng cũng như con đường giải quyết vấn đề khác nhau.

Tư duy thiết kế thường được trích dẫn như là môi trường phát triển lành mạnh cho kĩ năng giải quyết vấn đề – nó không đơn thuần là cảm xúc và bản năng, cũng không đơn thuần là khoa học hay khả năng phân tích và giải thích; nó là sự kết hợp của cả hai.

Một lợi ích lớn khác của tư duy thiết kế là nó đặt con người lên đầu tiên. Bằng việc tập trung mạnh vào sự thấu hiểu, nó khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức xem xét nhu cầu của những con người thực sử dụng sản phẩm và dịch vụ của họ – có nghĩa rằng họ khả năng cao sẽ đạt được mục đích khi muốn tạo lập những trải nghiệm người dùng ý nghĩa. Đối với người dùng, điều này đồng nghĩa với những sản phẩm, dịch vụ tốt hơn, hữu ích hơn và thực sự cải thiện cuộc sống của họ. Đối với các doanh nghiệp, điều này có nghĩa là làm cho khách hàng hạnh phúc hơn và doanh thu cũng tốt hơn.

“Vấn đề nguy hại” trong tư duy thiết kế là gì?

Tư duy thiết kế cực kì hữu dụng khi được áp dụng để giải quyết những “vấn đề nguy hại”. Khái niệm “vấn đề nguy hại” đã được đặt ra bởi nhà lý thuyết thiết ké Horst Rittel vào những năm 1970 để miêu tả những vấn đề cực kì khó khăn nhưng cũng vô cùng mơ hồ trong tự nhiên. Với những vấn đề này, có quá nhiều yếu tố chưa biết đến; không giống như những vấn đề “đơn thuần”, chúng không hề có giải pháp định nghĩa nào. Thực ra, việc giải quyết một khía cạnh chưa biết của một vấn đề nguy hại khả năng sẽ vén màn hoặc đưa tới những thách thức khác. Một đặc trưng quan trọng của một vấn đề nguy hại là chúng không có điểm dừng, khi vấn đề thay đổi theo thời gian, giải pháp của nó cũng phải thay đổi tương ứng. Việc giải quyết những vấn đề nguy hại vì thế là một quá trình không ngừng nghỉ yêu cầu áp dụng tư duy thiết kế! Một vài ví dụ của “vấn đề nguy hại” của xã hội ngày nay bao gồm những hiện tượng như đói nghèo, biến đổi khí hậu,…

  1. Tư duy thiết kế ở nơi làm việc: bằng cách nào tư duy thiết kế, UX tinh gọn và quá trình phát triển nhanh chóng có thể kết hợp cùng nhau?

Đến lúc này, chúng ta đã biết tư duy thiết kế là gì, hãy cùng xem xét cach nó có thể được tích hợp vào quy trình thiết kế sản phẩm cuối cùng. Bạn có thể đã khá quen với những khái niệm “tinh gọn” và “nhanh chóng” – và với tư cách là một nhà thiết kế UX, điều quan trọng là hiểu cách ba cách tiếp cận này được kết hợp với nhau!

UX tinh gọn và quá trình phát triển nhanh chóng là như thế nào?

Được dựa trên những nguyên lí của sản xuất tinh gọn, trải nghiệm người dùng tinh gọn tập trung vào tinh giản quá trình thiết kế nhiều nhất có thể – tối thiểu hóa những gì thừa thãi và tối đa hóa giá trị được tạo ra. Một vài nguyên lý cốt lõi của trải nghiệm người dùng tinh gọn là:

  • Tận dụng sự hợp tác giữa các bộ phận có chức năng khác nhau: giữa các nhà thiết kế, kỹ sư và nhà quản lý sản phẩm
  • Thu thập phản hồi nhanh chóng và liên tục, đảm bảo rằng bạn luôn liên tục học tập và thích ứng khi làm việc
  • Đưa ra quyết định càng muộn càng tốt và chuyển giao nhanh chóng, với ít chú trọng hơn cho những giá trị chuyển giao dài hạn
  • Tập trung mạnh mẽ vào cách cả đội ngũ vận hành vể tổng thể.

UX tinh gọn là một kĩ thuật làm việc kết hợp với những phương pháp phát triển nhanh chóng. Phương pháp phát triển nhanh chóng là một quá trình phát triển phần mềm làm việc với những chu kì lặp đi lặp lại, gia tăng dần được biết đến như là những cuộc đua nước rút. Không giống những phương pháp phát triển truyền thống, nó có tính chất linh động và thích ứng cao. Được dựa trên Agile Development Manifesto được tạo ra vào năm 2011, phương pháp này gắn chặt với những nguyên lí sau đây:

  • Chú trọng các cá nhân và những tương tác thông qua các quá trình và công cụ
  • Làm việc với phần mềm thông qua những tài liệu toàn diện
  • Cộng tác với khách hàng thông qua thương lượng hợp đồng
  • Đáp ứng với thay đổi thông qua việc theo sát kế hoạch

Tư duy thiết kế, UX tinh gọn và phương pháp phát triển phần mềm nhanh chóng thường được nhìn nhận như là 3 cách tiếp cận riêng biệt. Các doanh nghiệp và đội thiết kế sẽ hỏi chính họ khi nào sử dụng 1 trong 3 cách tiếp cận trong những hoàn cảnh cụ thể – nhưng thực ra, chúng có thể (và nên) được hợp nhất để đạt được kết quả tối ưu.

Vì sao? Bởi việc áp dụng tư duy thiết kế vào một môi trường tinh gọn, nhanh chóng giúp tạo ra một quá trình phát triển sản phẩm không chỉ lấy người dùng làm trung tâm, mà còn rất hiệu quả từ khía cạnh kinh doanh. Trong khi điều đúng là mỗi cách tiếp cận đều có cách vận hành khác nhau, giữa chúng có những điểm chung quan trọng. Việc kết hợp những nguyên lý của mỗi cách tiếp cận có thể rất quan trọng khi hợp tác giữa một đội ngũ gồm nhiều chuyên ngành khác nhau – việc đảm bảo những nhà thiết kế, nhà phát triển, quản lý sản phẩm và chủ doanh nghiệp hợp tác hiệu quả là một tầm nhìn chung phổ biến.

Vậy 3 cách tiếp cận này kết hợp với nhau bằng cách nào?

Như Jonny Schneider, trưởng bộ phận thiết kế và chiến lược sản phẩm tại ThoughtWorks giải thích: “Tư duy thiết kế là cách chúng ta khám phá và giải quyết vấn đề; trải nghiệm người dùng tinh gọn là bộ khung để kiểm thử những niềm tin của chúng ta và để học tập con đường đúng đắn dẫn tới kết quả được mong đợi; phương pháp phát triển phần mềm nhanh chóng là cách chúng ta thích ứng với những điều kiện thay đổi bằng phần mềm.”

Tất cả nghe có vẻ đơn giản, nhưng nó trông như thế nào trong thực tế?

Như chúng ta đã tìm hiểu, tư duy thiết kế là một cách tiếp cận dựa trên giải pháp đối với khám phá và giải quyết vấn đề. Nó tập trung vào việc tạo ra nhiều ý tưởng với một vấn đề cụ thể, giữ người dùng ở vị trí trung tâm của toàn bộ quá trình. Một khi bạn đã thiết lập và thiết kế một giải pháp phù hợp, bạn sẽ bắt đầu áp dụng những nguyên lí của trải nghiệm người dùng tinh gọi – kiểm thử những ý tưởng của bạn, tập trung những phản hồi nhanh và liên tục để xem điều gì thực sự hoạt động – với sự chú trọng đặc biệt cho sự hợp tác đội nhóm đa chức năng và vượt qua những giới hạn của phòng ban. Phương pháp phát triển nhanh chóng tập hợp tất cả vào cuộc đua nước rút, cho phép sự thích ứng đối mặt với sự thay đổi. Trong một môi trường tinh gọn, sản phẩm được cải thiện và xây dựng ngày một tiến bộ lên. Thêm vào đó, sự kết hợp giữa các phòng ban đóng vai trò cực kì quan trọng, chuyển giao những giá trị có lợi cả cho doanh nghiệp và người dùng về tổng thể.

Cùng với nhau, tư duy thiết kế, trải nghiệm người dùng tinh gọn và phương pháp phát triển nhanh chóng cắt bỏ những quá trình và tài liệu không cần thiết, tận dụng mọi sự đóng gói cho sự chuyển giao và cải tiến liên tục.

  1. Những lợi ích của tư duy thiết kế ở nơi làm việc là gì?

Với tư cách là một nhà thiết kế, bạn có một vai trò then chốt trong việc định hình sản phẩm và trải nghiệm công ty bạn mang tới thị trường. Việc tích hợp tư duy thiết kế vào quá trình của bạn có thể tăng thêm nhiều giá trị cho doanh nghiệp, cuối cùng là đảm bảm sản phẩm bạn thiết kế không chỉ đáng xem xét đối với người tiêu dùng, mà còn khả thi đối với ngân sách và nguồn lực của công ty.

Với điều này trong tâm, chúng ta hãy xem xét một vài lợi ích chính của việc sử dụng tư duy thiết kế ở nơi làm việc:

  • Giảm thiểu thời gian tung sản phẩm ra thị trường một cách đáng kể: với sự thấu hiểu với giải quyết vấn đề và tìm kiếm những giải pháp khả thi, tư duy thiết kế có thể giảm thiểu thời gian dành cho việc thiết kế và phát triển một cách đáng kể – đặc biệt khi được kết hợp với UX tinh gọn và phương pháp phát triển phần mềm nhanh chóng.
  • Tiết kiệm chi phí và tỷ lệ lợi nhuận cao: việc tung ra những sản phẩm thành công ra thị trường nhanh hơn cuối cùng sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể. Tư duy thiết kế đã chứng minh có thể giúp doanh nghiệp cải thiện đáng kể tỷ lệ lợi nhuận; ví dụ như những đội ngũ áp dụng thực hành tư duy thiết kế của IBM đã ghi nhận tỷ lệ lợi nhuận lý thuyết tăng tới 300%.
  • Cải thiện mức độ gắn bó của khách hàng: tư duy thiết kế đảm bảo một cách tiếp cận lấy người dùng làm trung tâm – điều cuối cùng thúc đẩy sự gắn bó của người dùng với sản phẩm, dịch vụ trong dài hạn.
  • Nuôi dưỡng sự đổi mới: tư duy thiết kế có đặc trưng là thách thức những giả thuyết và những niềm tin hiện hữu, khuyến khích tất cả những bên liên quan suy nghĩ theo cách khác đi. Điều này nuôi dưỡng một văn hóa đổi mới mở rộng ra ngoài phạm vi đội thiết kế.
  • Có thể áp dụng cho toàn công ty: điều tuyệt vời của tư duy thiết kế là nó không chỉ dành cho các nhà thiết kế. Nó tận dụng tư duy của tập thể và khuyến khích sự hợp tác giữa các phòng ban. Thêm vào đó, nó có thể được áp dụng cho hầu như mọi lĩnh vực.

Cho dù bạn muốn thiết lập văn hóa tư duy thiết kế ở cấp độ công ty hay đơn giản là cố gắng cải thiện cách tiếp cận lấy người dùng làm trung tâm của mình, tư duy thiết kế sẽ giúp bạn đổi mới, tập trung hơn vào người dùng, và cuối cùng thiết kế ra những sản phẩm giải quyết những vấn đề thực tế của người dùng.

  1. Thực hành tư duy thiết kế: Các case study thực tế

Chúng ta đã tìm hiểu kha khá về lý thuyết đằng sau tư duy thiết kế và các quá trình liên quan – nhưng tư duy này thực sự như thế nào trên thực tế? Chúng ta hãy khám phá một vài case study nơi tư duy thiết kế đã có một sự ảnh hưởng lớn tới thế giới thực.

Case study về chăm sóc sức khỏe: tư duy thiết kế giúp bệnh viện mắt Rotterdam “lột xác” như thế nào

Các chuyên viên tại bệnh viện mắt Rotterdam muốn thay đổi hoàn toàn trải nghiệm của người bệnh, từ cảm giác bất an, lo lắng thành điều gì đó thoải mái và cá nhân hơn. Để làm điều đó, họ đã tích hợp tư duy thiết kế và những nguyên lý thiết kế vào quá trình lên kế hoạch của mình. Đây là cách họ đã thực hiện chúng:

4

Thấu hiểu – Enphathise

Đầu tiên, họ quyết định phải tìm hiểu về người dùng đích của mình – những người bệnh nhập viện để điều trị. Giám đốc điều hành, giám đốc tài chính, các trưởng phòng ban, các nhân viên và bác sĩ đã nhận ra rằng hầu hset các bệnh nhân vào bệnh viện với nỗi lo sợ bản thân sẽ bị mù.

Định nghĩa – Define

Dựa trên những tìm hiểu từ giai đoạn thấu hiểu đầu tiên, họ quyết định rằng việc giảm thiểu nỗi sợ cần phải là ưu tiên số một. Sự khẳng định vấn đề của họ có thể được diễn tả như sau: “Những bệnh nhân đến với bệnh viện của chúng ta cần cảm thấy thoải mái và được an tâm.”

Lên ý tưởng – Ideate

Được trang bị với hiểu biết sâu sắc về bệnh nhân cùng với sứ mệnh được định nghĩa rõ ràng, họ đã bắt đầu động não suy nghĩ về những giải pháp tiềm năng. Như bất cứ nhà thiết kế giỏi nào cũng sẽ làm, họ đã tìm nguồn cảm hứng từ những nguồn liên quan và không liên quan tới ngành của mình. Họ đã nhìn vào hãng hàng không hàng đâu KLM và chuỗi siêu thị Albert Heijn để học về cách lập kế hoạch, ví dụ, trong khi lại lấy cảm hứng về chuyên môn phẫu thuật từ những tổ chức y tế khác.

Làm nguyên mẫu – Prototype

Ở giai đoạn làm nguyên mẫu, đội ngũ của bệnh viện đã trình bày những ý tưởng hứa hẹn nhất mà họ đã đưa ra trao đổi với những đội điều dưỡng của bệnh viện. Những đội điều dưỡng này sau đó đã sử dụng những thông tin này để thiết kế những thí nghiệm quy mô nhỏ, không chính thức để kiểm thử giải pháp tiềm năng và xem nó có đáng để áp dụng trên quy mô lớn hay không.

Kiểm thử – Test

Giai đoạn kiểm thử bao gồm việc chạy những thí nghiệm đã nhắc tới trên đây và xem chúng phát huy hiệu quả như thế nào. Như lời Dirk Deichmann và Roel van der Heijd giải thích, “việc chuyển sang sử dụng quy mô lớn những ý tưởng này có xu hướng từ từ hơn. Nếu một ý tưởng là hiệu quả, không sớm thì muộn thì những nhóm điều dưỡng khác cũng sẽ hỏi liệu họ có thể thử nó, và những ý tưởng tốt nhất được nhân rộng một cách tự nhiên.”

Kết quả

Bằng việc áp dụng tư duy thiết kế, bệnh viện mắt Rotterdam đã có thể tìm ra những nhu cầu của người dùng (bệnh nhân) và tìm ra những giải pháp hiệu quả để đáp ứng chúng. Thực hiện điều đó, họ đã cải thiện một cách đáng kể trải nghiệm sử dụng của người dùng: lượng bệnh nhân nhập viện tăng tới 47% và từ đó bệnh viện đã dành được nhiều giải thưởng về sự an toàn, chất lượng và thiết kế.

Case study trong kinh doanh: tư duy thiết kế đã giúp nhà cung cấp dịch vụ tài chính MLP dành lại được lòng tin của khách hàng như thế nào

Sau thời kì khủng hoảng tài chính, nhà cung cấp dịch vụ tài chính MLP nhận thấy lòng tin của khách hàng đối với công ty đang ở mức thấp chưa từng có. Họ cần phải dành lại lòng tin của đối tượng khách hàng nhắm tới và đưa ra những cách mới để tạo dựng sự tin tưởng. Khi tìm kiếm sự đổi mới, họ đã quyết định thử nghiệm sử dụng tư duy thiết kế. Đây là điều họ đã học được:

Thấu hiểu

Bằng cách tập trung vào những người dùng và có những nỗ lực nghiêm túc để thấu hiểu những nhu cầu của họ, MLP đã thấy được rằng những giải thuyết mà họ đang đặt ra hoàn toàn không chính xác. Như Thomas Freese, giám đốc bộ phận marketing tại MLP giải thích, “Chúng tôi đã luôn nói với khách hàng về những mục tiêu họ muốn đạt được. Nhưng họ không muốn cam kết với một mục tiêu nhất định, bởi bản thân họ thường không hiểu đó là gì. Thay vào đó, họ muốn thảo luận về những ý tưởng bởi điều này cởi mở và linh động hơn đối với kế hoạch tài chính của họ.”

Định nghĩa

Với sự thấu hiểu vừa mới được thiết lập, MLP đã có thể tái dựng lại khẳng định sứ mệnh của mình. Họ biết rằng họ cần xây dựng lại niềm tin của khách hàng, và rằng cách để thực hiện điều đó là cần nói chuyện với khách hàng với chính ngôn ngữ của họ và trở thành một thương hiệu gần gũi hơn.

Lên ý tưởng và làm nguyên mẫu

Trong giai đoạn lên ý tưởng và làm nguyên mẫu, họ đã quyết định thí nghiệm với một hình ảnh doanh nghiệp hoàn toàn mới. Thay vì một hình ảnh doanh nghiệp trang trọng thường gắn với khu vực kinh tế tài chính, thành viên MLP đã ra ngoài gặp khách hàng với trang phục thoải mái hơn. Họ đã kiểm thử logo Lego và những poster tự làm ở những điểm kết nối dành riêng – bao gồm khuôn viên của một trường đại học và những trạm tàu hỏa.

Kiểm thử

Bằng việc kiểm thử cách tiếp cận mới này, MLP đã học được những bài học vô cùng giá trị về những người dùng của mình và cách giao tiếp với họ. Họ phát hiện ra rằng thậm chí một số điều đơn giản như ăn mặc bình thường khi gặp khách hàng lại có ảnh hưởng lớn trong việc giảm thiểu cái nhìn tiêu cực gắn với ngành dịch vụ tài chính. Họ cũng hiểu được giá trị của việc đặt những câu hỏi mở, hơn là cố gắng bán nguyên mẫu của mình, tư duy thiết kế dạy họ đặt ra những câu hỏi đúng tập trung vào nhu cầu của người dùng.

Kết quả

Sự đột phá đầu tiên sử dụng tư duy thiết kế đã chứng minh hiệu quả vượt mong đợi đối với MLP. Việc dành thời gian nói chuyện với khách hàng cho MLP những thông tin vô giá cần thiết để tái thiết kế những thông điệp của họ, cho phép họ bắt đầu tiếp thị hiệu quả hơn nhiều. Theo sau những phát hiện này, MLP đã mở thêm một văn phòng mới ở khu vực tập trung nhiều sinh viên, đặt đội ngũ biên tập và truyền thông xã hội của mình gần với khách hàng hơn. Tất nhiên, tư duy thiết kế là một quá trình lặp đi lặp lại, nên đây là một cách trong đó MLP hi vọng tiếp tục học để nói chuyện bằng ngôn ngữ của chính khách hàng.

  1. Mối quan hệ giữa tư duy thiết kế và thiết kế trải nghiệm người dùng là gì?

Ở điểm này, không nghi ngờ gì bạn đã nhận thấy tư duy thiết kế và thiết kế trải nghiệm người dùng có nhiều điểm tương đồng, và có thể bạn đang tự hỏi chúng liên hệ với nhau như thế nào. Cả hai đều lấy người dùng làm trung tâm và được thôi thúc bởi sự thấu hiểu người dùng, và những nhà thiết kế UX sẽ sử dụng nhiều bước dựa vào quá trình tư duy thiết kế, như nghiên cứu người dùng, làm nguyên mẫu và kiểm thử.

Bất chấp những sự tương đồng đó, có những khác biệt nhất định giữa hai khái niệm trên. Đầu tiên, sự ảnh hưởng của tư duy thiết kế thường được cảm nhận thấy ở mức độ chiến lược, nó tìm hiểu sâu vấn đề – trong điều kiện thấu hiểu người dùng, sự khả thi về công nghệ và những yêu cầu về mặt kinh doanh – để khám phá những giải pháp có khả năng. Như chúng ta đã thấy từ ví dụ của bệnh viện mắt Rotterdam và công ty MLP, tư duy thiết kế được ấp ủ và thực thi bởi tất cả các phòng ban trong toàn bộ doanh nghiệp, bao gồm những lãnh đạo cấp C.

Nếu tư duy thiết kế tập trung tìm kiếm giải pháp, thiết kế UX quan tâm hơn tới việc thực sự thiết kế những giải pháp đó và đảm bảo chúng sử dụng được, dễ tiếp cận và thoải mái cho người dùng.

Bạn có thể coi tư duy thiết kế như là một bộ công cụ mà những nhà thiết kế UX sẽ tận dụng, và nếu bạn đang hoạt động trong ngành thiết kế UX, nó là một trong nhiều phương pháp quan trọng bạn sẽ dựa vào khi cần tạo dựng những trải nghiệm người dùng tuyệt vời. Bạn có thể học thêm về thiết kế UX cũng như tư duy thiết kế qua những khóa học của chúng tôi.

Đọc thêm

Nếu bạn mới tìm hiểu ngành thiết kế và tò mò về những khái niệm mới lạ có nghĩa gì, bạn có lẽ sẽ có hứng thú với những bài chỉ dẫn sau đây:

Nguồn: careerfoundry.com